Tác giả: Nguyễn Lương

[Sau đây là một bài viết mà anbangnews đã tìm gặp trên Facebook, của tác giả Nguyễn Lương, về tâm sự của một người vợ lúc được đoàn tụ với chồng tại Hoa Kỳ.  Qua những tình tiết hãi hùng của một chuyến vượt biển mà cái sống và cái chết đã không phân biệt được, tác giả không giấu được sự trân quý nơi giá trị tự do và phút giây hạnh phúc bên gia đình của hiện tại.  Một bài viết dài, nhưng nó sẽ để lại một dấu ấn nào đó cho thế hệ tương lai, để hiểu thêm nguồn gốc nơi thế hệ người Việt đầu tiên tỵ nạn qua diện vượt biển, vượt biên.  Được phép của tác giả, anbangnews xin chia sẻ sáng tác này đến cùng tất cả độc giả.]

XIN GIỮ CHÚT TÌNH

Vắng anh! hương sắc phai tàn
Đêm trông ngày đợi, muôn ngàn nhớ thương
Bồng con nhìn biển vấn vương
Tìm anh hạnh phúc, là đường tương lai!

Hằng năm, gia đình chúng tôi thường chọn một tuần lễ để nghỉ xả hơi. Tuần lễ đó thường đúng vào dịp lễ Vu Lan, tức ngày rằm tháng bảy theo lịch âm. Trong những ngày nghỉ đó, gia đình chúng tôi đến chùa lễ Phật, cầu an cho bản thân, gia đình, bà con và thế giới.  Dịp này cũng cho chúng tôi cơ hội thăm gặp bà con, bạn bè thân thuộc để hàng huyên tâm sự, quên bớt đi nỗi âu lo, vất vả sau một năm bận bịu làm ăn trong bao ngày tháng xa cách.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào đây, nay nhìn lên tấm gương không ngờ thấy tóc đa đổi sang màu muối tiêu. Nhìn lại các con cái nay cũng đã lớn khôn. Có những đứa đã tự lập, đi làm mỗi đứa mỗi nơi. Nay chỉ còn lại hai thân già côi cút, sống nhờ vả nhau ngày qua ngày khi nắng đã ngả xế về chiều.

Thật cám ơn Trời Phật, Ông Bà, vợ chồng chúng tôi còn có được sức khoẻ tìm đường lái xe trên xa lộ với tốc độ khá nhanh để đến thành phố Denver nơi chùa An Bằng cũng mất mấy ngày đường. Gia đình chúng tôi đến đó để dự lễ Vu Lan rằm tháng bảy để cùng nhau thắp lên nén hương lòng, tưởng nhớ về cha mẹ, cầu nguyện với nỗi lòng tha hương luôn ấp ủ bóng hình cha mẹ trong lòng. Buổi lễ được tổ chức rất long trọng, lễ có quý Thầy thuyết giảng.

Những lời dạy về đạo hiếu làm con với cha mẹ là quan trọng nhất. Công sinh dưỡng của cha mẹ cao sâu như trời biển. Mẹ là dòng suối mát ngọt của đời con. Những gì mất cũng có thể tìm thay lại được nhưng cha mẹ mất không có gì có thể thay thế.

Buổi lễ là một niềm vui, niềm hạnh của những ai còn cha mẹ. Niềm vui và niệm hạnh phúc đó, được biểu hiện qua đóa hoa đỏ thắm được cài lên ngực. Những ai mất mẹ thì không được diễm phúc đó, thay vì những đoá hoa hồng, thì đóa hoa màu trắng, gợi lên trong lòng lạc lõng, bơ vơ, xúc động, với dòng lệ lăn dài trên đôi má. Còn vợ chồng tôi được cài cánh bông hồng màu đỏ, nhưng nỗi buồn dâng lên không thua, không kém với những người cài hoa màu trắng, vì nhớ mẹ hiền, quê hương An Bằng, nơi chôn nhau cắt rốn ở xa mù tịt bên kia đại dương xa thẳm hơn 8.000 hải lý.

Thật vô cùng xót xa, xúc động và nhớ cha nhớ mẹ biết bao.

Sau buổi lễ, tôi gặp lại bà con bạn bè và thăm hỏi thân mật. Có người mời về nhà, họ kể cho tôi những gì mới thay đổi ở quê nhà, chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện học hành thành đạt của con cái, chuyện xảy ra ở xã hội, chuyện chim bay trên trời, cá lội dưới biển, chuyện tiếu, chuyện hề. v.v.  Điều này đã tạo lên tiếng cười vui chung, để làm tinh thần thoảii mái trong một tuần du hành trôi qua.  Qua thật nhanh, thế là chúng tôi phải chia tay nhau, mỗi người trở về mỗi ngã, để lo cho cuộc sống gia đình, rồi khi trở về nhà lại tìm được một giấc ngủ thật ngon.

Atlanta City Georgia

Một buổi sáng mùa thu trời se lạnh, ngoài trời cây lá chuyển đổi màu đỏ, vàng, úa như báo hiệu mùa tuyết lạnh sắp cận kề. Vợ chồng tôi nơi Quê Hương mới đang bâng ly cà phê, uống tại nhà với mùi vị khác hẳn với những ngày trước. Nhìn nhau mỉm cười để nhận ra khuôn mặt đã thay đổi với nhiều lớp nhăn, cọng thêm lấm chấm đồi mồi, tóc đổi màu tự hào được hanh phúc. Thời gian trôi nhanh như con thoi đã hơn sáu mươi tuổi đời. sao lòng mãi vấn vương thao thức tận nơi quê nhà từ độ nào?

Đến đây xim tâm sự một thời đã qua lúc tuổi nhỏ, thời chiến tranh trên quê hương tôi An Bằng đã gây ra thật nhiều khó khăn đủ mọi mặt cho đời sống dân làng. Tôi được cha mẹ nuôi dạy dỗ đến lúc tuổi trưởng thành, đã lập gia đình. Vợ chồng chúng tôi hạnh phúc sống mãi mãi bên nhau như người ta thường nói: “Dù cho vật đổi sao dời, tình nghĩa vợ chồng cũng không bao giờ đổi thay.”  Không ngờ thời buổi tự biến đổi thay bất ngờ.

Một hôm nơi quê nhà gặp người bà con vô tư cùng nhau kể chuyện vui trên trời, dưới biển, chuyện các thuyền bỏ làng, bỏ nước, bỏ người thân yêu mà đi sao đành, những lời tâm sự tán dốc để cho vui không may bị rơi vào cặm bẩy. Liền bị tội vượt biển, vượt biên bị chính quyền Xã bắt giam vào nhà đá đáng lẽ ở tù cải tạo ba năm hay sáu năm trên núi. Nay! May gặp thời được Ông xã trưởng D.C. Tuyến, có tâm từ đức, nhiều người được dung tha, cho cải tạo tại địa phương, nhưng cũng bị theo dõi như chim trong lồng, như cá trong chậu, bị kềm chế, áp bức nhiều mặt, đôi khi lại bị đánh đập.

Kinh tế gia đình càng ngày xuống, nghèo đói, sức khỏe, bệnh tật càng tăng thêm. Thuốc men hạn hẹp, anh, em, bà con thương hại nhau, chỉ biết than thở rơi nước mắt, trong cảnh thời khó khăn đất nước, đang bước phục hồi xây dựng lại hòa bình. Nhất là mẹ tôi thấy con mình ốm, yếu mà lo buồn khóc sùi sụt ngày lại qua ngày.  May một hôm khi tôi đang hành nghề đánh cá, cùng chung trên biển như mọi ngày, đột nhiên thì tôi thấy có một số anh trong thuyền thì thầm khác lạ tổ chức vượt biển mà không cho tôi biết trước.  Con thuyền chạy nhanh về hướng bắc ước chừng 45 độ. Tôi nhớ hôm đó có gió mạnh cộng thêm với trời mưa bay bay, lạnh buốt, vậy mà các anh ấy vẫn cho thuyền lướt sóng ra khơi. Tôi thấy ngạc nhiên và hỏi các anh lái thuyền đi đâu vậy? Mấy anh cười vui và trả lời: “Đi không ngày trở lại.” Tôi chợt nghĩ đã có những chiếc thuyền trước ra đi mà không lối quay về. Ôi! thế là vui buồn lẫn lộn.  Vui là được đi, mà đi đến đâu, có được đến nơi không? hay là …!  Nhưng buồn thì không ít, vì tình mẹ con, tình vợ chồng, bà con láng giềng thân thuộc nay đã xa cách. Vì quá bất ngờ nên tôi chưa kip chia tay, và cũng chẳng nói được một vài câu với mẹ, với vợ, với con. Giờ tôi phải làm sao đây? Đầu óc tôi như quay cuồng rối loạn. Nay tôi đã xa mẹ, xa vợ mà tôi đã không hay biết. Mẹ tôi đã già bệnh tật ốm yếu, vợ thì đang mang bầu đứa con đầu lòng. Thuyền mỗi lúc càng rẻ sóng ra xa, dãy núi trường sơn đang dần dần khuất dạng.

Nỗi nhớ thương mỗi lúc mỗi dâng tràn. Lúc đó tôi đã nghĩ mình đã phải trở thành người con bất hiếu, là người chồng bất nghĩa, là người cha thiếu trách nhiệm. 

“Con đi mẹ ở lại nhà
Ngày đêm ngóng đợi phương xa tin về
Mây chiều mưa đổ lê thê
Nhìn trời, nhìn biển bốn bề quạnh hiu.”           

Hình bóng mẹ và vợ cứ theo tôi trong suốt cuộc hành trình đầy sóng gió và gian nan đói khát lạnh buốc.  Những đợt bão, sóng lớn tràn ngập thuyền nhiều lần như chết đi sống lại, đầy nguy hiểm trước sự sống và cái chết kề cận như ngọn đèn dầu trước bão. Lạy ơn Trời, Phật, ông bà và Cha mẹ phù hộ, cuối cùng thuyền chúng tôi cũng đến được đất bờ Hồng Kông.

Bước đầu đặt chân lên đất xứ người thì cuộc sống đầy xa lạ, và thật cô đơn. Bên cạnh đó cũng lắm chông gai.  Sống lang thang giữa đất khách quê người như đôi cánh chim vẫy vùng giữa bão tố. Rồi sau đó không lâu, tôi được định cư tại Mỹ, nơi đây dần dần đã trở thành quê hương mới của tôi. Tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Một lần nữa như chim không tổ, nước không nguồn, long đong tìm việc làm để mưu sinh. Thật may, tôi nhờ được các hội giúp đỡ nên sau đó không lâu, tôi có được một việc làm, đủ để nuôi sống được bản thân. Sau giờ đi làm, tôi còn cắp sách đến trường để học thêm tiếng Anh. Tôi nhớ ngày nào còn ở quê nhà bà con lối xóm thường hay xôn xao bàn tán rằng đất nước Hoa Kỳ là đất nước thần Tiên của hạ giới, xã hội văn minh, giàu có. Quả thật, đây là chốn phồn hoa của thế giới, cũng là nơi đại đau đầu, nhức óc.  Bước đầu tiên thật khó khăn và bỡ ngỡ.  Thế rồi dần dần tôi cũng khắc phục được cái khó khăn này, và cuộc sống mỗi ngày một trở nên quen dần. Giấc mơ nay được trở thành hiện thực, dù thời gian qua đã ngậm đắng nuốt cay, buồn tủi phôi pha không ít.

Rồi sau đó tôi nhận được lá một lá thư. Lá thư cho tôi một tin vui bất ngờ. Tôi nghe tin vợ và con đã đến Hong Kong an toàn. Kèm theo một hung tin mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi rồi, làm tôi hốt hoảng kêu lên, “mẹ ơi!” thật lớn cho đến tận tai ông trời để vơi đi nỗi thương tiếc. Lúc mẹ lâm chung từ giã, tôi không có bên cạnh.  Giờ đây tôi mồ côi âm thầm sống trong nhớ tiếc, ngày qua ngày.  Sau đó không lâu, vợ con tôi cũng đến đoàn tụ được với tôi. Vài người bạn và người thân cùng tôi đến phi trường, đón chở vợ con tôi về nhà cùng chia vui buổi tiệc đoàn tụ gia đình.

Kể đến đây thì buổi cơm chiều đoàn tụ thật vui vẻ qua những lời bà con chia vui chúc tụng cũng đã xong. Mọi người lần lượt ra về, còn lại gia đình tôi tâm sự những lời thân thương ngọt ngào đầy hạnh phúc.

Ngày anh ra đi, sóng gió bão tố suốt mấy ngày đêm làm cho mẹ và em vô cùng lo lắng. Làng xóm cùng bàn tán. Có người nói thật khủng khiếp, người ta nói có lẽ thuyền của anh đã đắm ngoài biển khơi, và chết ở biển cả rồi. Mẹ và em càng buồn nhiều hơn. Hàng ngày khi hoàng hôn buông xuống nhìn theo những bóng người qua lại thật ám ảnh nhớ thương anh, dâng lên tận cùng.  Em cuối mặt nghẹn ngào ém lẹm, nín thinh trong bữa ăn.  Mẹ nhớ đến người con nên mẹ không thể ăn được.  Mẹ nhường cơm cúng cho linh hồn con ăn trước chút lát sau mẹ gạt nước mắt, ngậm ngùi vừa ăn, vừa khóc, nước mắt thay canh. Với thời gian nhiều tháng sau, em sinh thai nở nhụy, mẹ con vuông tròn được bình yên. Anh đi rồi sức khỏe của mẹ càng ngày càng sa sút đi nhiều. Mỗi lần cứ nghe ai nhắc đến tên anh thì mẹ lại khóc òa lên. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ hiền trên ̣đời nầy có gì sánh bằng. Mà lòng em càng tăng thêm xót xa, nhớ anh nhiều hơn. Em nghĩ tình thương của người mẹ già, sống hiu quạnh, ốm yếu nhưng một lòng âm thầm trong tâm, thương nhớ con, một thời gian ngắn sau, mẹ đã ngã bệnh rồi mất.

Đời em càng cô đơn, trống trải nhiều hơn, khi mỗi lần nhìn gian phòng của mẹ lúc còn sinh thời, mà lòng em càng thấm thía quạnh quẽ, nỗi đơn côi. Mỗi lúc về chiều, em bồng con ra, nơi mà thuyền anh thường nhổ neo rời bến, đứng để trông ngóng anh nhưng vô vọng. Em càng nhớ anh nhiều hơn. Nhìn ra xa ở tận chân trời, những đám mây trắng bạc màu trôi lững lờ không nơi nương tựa, làm cho lòng áo não thẫn thờ thêm. Em nhìn chăm chăm những đợt sóng, lần lượt đua nhau tràn vào bờ rồi tan biến, những con dã tràng xe cát từng đợt, bị sóng dập dồi khỏa tan, uổng công!

Có phải bao nhiêu gợn sóng tràn vào bờ, là bấy nhiêu giọt lệ đã trải dài với thời gian, mà em mòn mỏi đợi chờ chồng?

Vài cặp chim biển ngoài kia đang hạnh phúc dìu nhau, qua những làn xanh nước biếc, em cảm thấy càng tủi phận, vô vọng cho số kiếp phân ly của chúng mình, càng khiến cho em thấu nỗi cô đơn, buốt giá.  Đời đang cần một tình yêu, tình thương của anh trong đợi chờ hy vọng.

Vợ tôi tâm sự tiếp:  Hơn lúc nào hết, em tin tưởng còn anh sống, mẹ con em không thể sống thiếu anh.”

Chim xa bầy thương cây nhớ cội.
Vợ xa chồng tội lắm anh ơi!
Chuỗi ngày thơ thẩn nổi trôi.
Gặp anh hạnh phúc cho đời thắm tươi!

Trời ơi! Có những đêm thức giấc nghe tiếng thì thầm xưa vọng lại, em vội dậy thắp đèn chạy qua phòng của mẹ, trời ơi chỉ thấy căn phòng trống lạnh đìu hiu.  Em đã quyết định bồng con đi tìm anh cho bằng được. Cho dù gian khổ đến đâu hay thậm chí gặp nhau bên kia thế giới của loài người em cũng an phận.  Còn hơn bây giờ em không chịu nổi cảnh sống cô đơn, lạnh nhạt thiếu vắng bóng anh, khiến em mỗi ngày nhan sắc mỗi phai tàn, sức khoẻ chết dần, chết mòn theo thời gian. Những ngày lăn lộn đi tìm anh, sao mà đầy chông gai quá! Nhiều người đàn ông lứa tuổi xồn xồn lợi dụng nước đục giăng câu. Họ dụ dỗ em chia cho họ chút tình, thì họ sẽ dìu dắt mẹ con em đi tìm anh. Em nhất quyết đường tình chỉ có một lối vào tim, em không thể chia trái tim em ra hai ngõ. Có lần em bồng con ra ẩn núp để đợi thuyền cập bến thì đột nhiên cả bầu trời đen tối như mực ập xuống. Những hạt sương đêm rơi thấm ướt lạnh cả thân người mẹ con em, nằm yên đợi, lắng nghe tiếng reo hò của lũ côn trùng.  Thế giới về đêm nghe thật não nề, sao!

Ám ảnh đâu đây hình ảo ảnh ma quỷ, quái lạ thật rùng rợn, ghê sợ cọng thêm tiếng chân đi lộp cộp của toán công an đi tuần tra bắt người vượt biển. Nghe những tiếng động đó làm em rùng mình sợ hãi nổi da gà. Em chỉ biết nín thở gần tắt, từng hơi để không bị họ phát hiện. Lồng ngực, tim em đánh lên từng hồi, như muốn nổ tung, nhưng em vẫn cố gắng, nuôi hy vọng ra đi tìm được gặp lại anh.

Thế rồi bất thành, không may có tiếng súng nổ rồi có tiếng la kêu, tiếng khóc của trẻ thơ đi kêu mẹ, kêu gào cha. Tiếng vang khóc của những người bị thương tạo ra một âm thanh, vô cùng khủng khiếp và rùng rợn, giữa bãi biển vắng tanh, nhưng em thấy con thuyền vẫn liều lĩnh rời bến, để sót lại những hành trang, và vài đứa trẻ, chạy lang thang khóc đi tìm cha, tìm mẹ bơ vơ, lạc loài giữa bãi cát tăm tối hoang vu, trong cảnh buồn tẻ, kẻ ra đi người ở lại. Mẹ con em cùng nhiều người khác bị thất vọng chạy thoát chết. 

Về đến nhà, đầu óc em quay cuồng, choáng váng, mặt mày bơ phờ. Bao nhiêu công sức thêu dệt đợi chờ, ước mong, nay đã tan thành mây khói.  Đôi dòng nước mắt chảy đến khô cằn. Bây giờ em càng thấy khổ nhiều hơn nữa. Có nhiều lần em hết gạo, trắng tay và cũng không còn một đồng xu dính túi, bần cùng, mẹ con sẽ ôm nhau chết đói trong tuyệt vọng. Em bồng con bỏ làng ra đi xin kiếm ăn qua ngày lang thang bữa no, bữa đói đến tận cùng Rạch Giá, Hà Tiên.  May mắn, em bắt mối được cho mẹ con em đi vượt biển. Buộc lòng em phải nói dối chồng em đang ở nước ngoài hứa khi đến bờ thì em sẽ hậu trả. Nhờ gặp ông chủ thuyền có lòng từ đức thông cảm cho cảnh đời mẹ con em. Lúc đó xuống thuyền, tất cả lớn nhỏ gồm 49 người, thành một gia đình trong cảnh buồn vui đói no, khổ cực, chết sống có nhau

Thuyền từ từ rời bến, giã từ quê hương trong đêm đen như mực, vui buồn lẫn lộn chưa nguôi. Thuyền đi được nửa đường thì cơn bão ập xuống mưa tả tơi mù mịt cả khung trời. Muốn nhận chìm con tàu xuống đại dương, nhưng con tàu vẫn bập bềnh chao đảo. Em ôm con, người say sóng quay cuồng. Tiếng động cơ vẫn nổ dòn lướt sóng được nửa ngày thì bầu trời trả lại sự yên tĩnh.  Mọi người đều vui mừng, tai qua nạn khỏi. Cám ơn trời phật và lòng dũng cảm của các anh tài công. Lái con tàu lướt sóng qua một đêm trời nay bình minh rực sáng, bao la rộng lớn của biển cả, cuộc hành trình trong niềm mơ ước, hy vọng tương lai trong nụ cười vui thì thầm trong tâm hồn.  Khoảng chín giờ ngày 20/7/1980 không may gặp nạn tàu cướp biển. Hải tặc tông vào, để áp bức, cướp và cưỡng hiếp.

Hai tàu đánh lộn nhau, thật lâu khiến hai bên chết, và bị thương cũng khá nhiều.  Em thấy cảnh quá tàn ác, ghê sợ, tim đập lên từng hồi nên liều nhắm mắt xuôi tay, ôm con vào lòng, may được thoát hiểm.  Hai Vợ chồng chú Ba tuổi cỡ ngoài năm mươi, Anh Sơn, chi Nghè tuổi ngoài bốn mươi bị quá nặng. Chết trong ngày đầu, xác các anh chị vẫn còn để trên ca bin tàu, ba ngày sau sức nóng của mặt trời thiêu đốt không thể để thêm, đành phải cho xuống biển. Thật não lòng.

Có anh Nguyễn Tuấn tuổi chừng hai mươi hai, chị Thu tuổi mười chín mới cưới nhau ba tháng cùng đi chung chuyến tàu. Anh Tuấn bị thương nặng, máu chảy lai láng cả tàu.  Anh đau rên khôn xiết.  Người vợ trẻ cận kề bên chồng khóc hết nước mắt.  Thời gian anh chịu không nổi vết thương không băng bó, cọng thêm đói khát nên sống thêm được ba ngày cũng nhắm mắt lìa đời.  Chị Thu ôm xác chồng thương tiếc, quên ăn quên uống vài ba ngày sau. Rồi cặp vợ chồng trẻ cũng cùng nhau chết trong tuyệt vọng, thật kinh hoàng. Có thêm chị Hạnh gan dạ thủ tiết thủy chung với chồng không may chị đã bị thương. Hoàn cảnh của chị cũng tương tự giống em. Chị cũng bồng con đi tìm chồng, tìm hạnh phúc nơi xứ người. Vết thương của chị càng ngày càng nặng, cũng như anh Tuấn trên thuyền, không đủ thuốc men, băng bó và cũng không đủ thức ăn và nước uống.

Con thuyền đã bị phá chết máy, nên cứ tiếp tục trôi lênh đênh, bập bềnh trên biển cả mong manh. Chung quanh chỉ thấy một màu xanh rộng lớn của biển cả. Những tiếng vỗ thật to của nước tạc chạm vào mạng thuyền, nghe thật lẻ loi như tiếng chim Thần Ân, vọng lại giữa trùng khơi. Đâu là bờ? đâu là cõi sống? 

Những câu trả lời, bằng những tiếng thở dài … não ruột, tiếng rên khóc của một đám người đang mất dần, vốn liếng của niềm tin, tất cả âm thanh buồn tẻ lập đi, lập lại rồi tan loảng vào giữa khoảng không, mông mênh vô tận. Biết bao nhiêu triệu lần mà tất cả người trong thuyền cùng đem hết lời cầu nguyện Trời đất, Thần Thánh, Ông bà, Phật, Chúa.vv.. xin đến cứu hộ.

Ngày qua ngày, nắng cháy, rát cả cổ họng, khô cả môi.  Đêm đêm rùng rợn, một màu đen của biển cả. Tíc tắc ở trời cao, những vị sao đang chớp tắt, trong ánh sáng lập lòe, yếu ớt như cổ châm, tìm lại niềm tin. Tất cả mọi người đói khát đến quằn quại, ngày nắng cháy gay gắt, đêm về chỉ trông chờ để liếm lấy những giọt sương khuya. Thế nhưng con thuyền vẫn tiếp tục trôi lững lờ về cõi vô định.

Có lẽ không chịu đựng được sự khắc nghiệt, tiếp đến khủng khiếp, suốt một thời gian, bốn ngày năm đêm, đã giảm bớt nghe tiếng rên khóc khi chị Hạnh kiệt sức và khiến chị phải từ giã cõi đời.

Trước khi nhắm mắt chị đã trăn trối với nước mắt khô cằn. Nếu lỡ đứa bé không gặp được ba của cháu, tôi cầu xin nhờ mọi người trong thuyền nuôi cháu hộ giùm.  Tồi chị vĩnh viễn ngàn thu, để lại đứa trẻ mới chỉ đầy năm tháng cứ lăn lóc bên xác mẹ, ôm vú mà bú sữa để sống hàng giờ.

Vài ngày sau, thi hài chị đã được đưa xuống dưới đại dương trong những giọt lệ khô cằn còn sót lại của những người trên thuyền để nhìn thẫn thờ, não ruột, thương tiếc, câm lặng vĩnh biệt chị ra đi.  Tất cả mọi người còn lại trên tàu đều đã đói khát kiệt sức, chết thêm nhiều.  Em mê man từ lúc nào cho đến khi được vào bờ. Sau đó, được chăm sóc và thuốc men, có người đã gần tỉnh nhưng họ vẫn còn ám ảnh nỗi sợ hãi.  Đâu đây còn vọng lại tiếng dã man, hành động của kẻ ác, rồi tiếng van xin và lời cầu nguyện của đám người, lâm nạn tạo một âm thanh, khủng khiếp ghi tận đến ở không gian, tịch mịch. Đâu đây bến giác của Thích Ca, hay là bờ mê của quỷ ác, tinh thần, tay chân run lẩy đẩy.  Lúc tỉnh mở mắt thấy có nữ Y Tá, em hét lên con của tôi đâu, chồng của tôi đâu?  Cô y tá cầm tay nói, “Chị bình tĩnh lại đi chị.  Nơi đây là bệnh viện Hồng Kông chị ạ. Con của chị vẫn khỏe, đang nằm ở đằng kia. Em chắp tay cảm ơn cô y tá và hạnh phúc trong dòng lệ tuôn dài.  Cô y tá nói thêm:  

“Ở đây là bệnh viện từ thiện, giúp đỡ điều trị và bồi dưỡng, vài bác sĩ tâm thần nội và ngoại khoa thường tới lui thăm hỏi bệnh nhân và an ủi cho 21 người còn sống sót lại để chữa trị sức khỏe các bệnh nhân được hồi phục dần dần.”

Lúc đó em nghe một bà Y Tá thì thầm kể lại rằng: “Mọi người thật may mắn nhờ gặp tàu Mỹ, gặp đã được vớt đem về đây chữa trị, nếu không có lẽ chết hết. Nay tinh thần bình ổn sức khỏe lành mạnh. Đợi đi định cư các nước.”

Em còn nhớ đứa trẻ mồ côi, con của chị Hạnh không biết có ai nuôi không? Hay là lang thang phiêu bạt giữa chợ đời, hay về ở cùng với chị rồi? Những thảm kịch, kinh hoàng khiếp đảm đó nay vẫn cứ ám ảnh trong đầu, như cuốn phim quay chậm từng trang sử, sống mãi trong ký ức không sao mà lãng quên được.

Giờ đây, được đoàn tụ với gia đình, sống được trên vùng đất lành, hoa thơm trái ngọt, ánh nắng ấm hiền hoà, một xã hội văn minh, chúng tôi đang dìu nhau bước trên làn cát mịn, tâm hồn thư thái. Đàn con đàn cháu đang theo học các trường đại học. Tuy hạnh phúc, so với quê nhà chỉ còn phân nửa.  Nay bên cạnh gia đình, còn có các hội đoàn, các tôn giáo là nhịp cầu, là cơ hội quý báu để cùng nhau tìm hiểu thêm, giúp tăng thêm tình quê hương, thắm đượm đạo tình, sắc hương đạo nghĩa. Cùng nhau nối lại vòng tay lớn vững mạnh, bước đến cho hạnh phúc và tương lai cho ngày mai!

Nơi đất kháck nhớ em từng khắc
Chốn quê nhà, thương anh từng ngày
Chúng mình đoàn tụ hôm nay
Đắp xây hạnh phúc sống ngày bên nhau

Trước, xin cám ơn nước Mỹ và người Mỹ đã cưu mang gia đình tôi, nên ngày hôm nay con cái chúng tôi đã thành đạt, đó là điều hạnh phúc nhất của gia đình chúng tôi.  Và xin biết ơn quí vị đã bỏ thời gian quí báu đọc đến đoạn cuối này.  Nếu có chạnh  lòng  hay cảm xúc xin cho lời bình.

Kính chúc quí vị an khang, thịnh vượng và may mắn.

 

Tác giả: Lương Nguyễn