XUÂN ĐÃ VỀ TRÊN KHẮP NẺO QUÊ HƯƠNG AN BẰNG VÀ CHỢ HOA TRONG NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT
Các ngày lễ Tết được phân bố đều theo thời gian trong năm, chúng đan xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ. Chữ “Tết” là biến âm từ chữ “tiết” (thời tiết) mà ra. Tết gồm hai phần: cúng ông bà tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho những ngày làm lụng đầu tắt mặt tối (tết). Tết là phải ăn, nên ta thường nói là “ăn Tết”.
Riêng Tết đối với người An Bằng đã bắt đầu từ ngày 10 tháng chạp. Nhà nhà tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh phong quang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm và chuẩn bị mua sắm.
Có lẽ là vì từ bao nhiêu đời nay tổ tiên mình, rồi đến ông cha mình tin tưởng, rồi đến mình đây tin tưởng là đất đai cũng như sinh vật, ngưng hoạt động trong những ngày cuối năm, lại bắt đầu sống lại, với sự trở về sắp tới của khí ấm. Từ quan niệm đó, người ta vui mừng trông đợi lúc cây cối và muôn vật trở lại cuộc sống bình thường và ao ước năm mới phải có một cái gì mới, một tiến bộ mới.
Vì vậy, dọc khắp từ Bắc Thượng về An Mỹ, tất cả các cổng chào của các thôn đều được sơn mới, treo cờ mới và băng rôn mang gìong chữ: “Chúc mừng năm mới” hoặc “Mừng Đảng mừng xuân”.
Chợ hoa trong những ngày giáp Tết cũng trở nên khoe sắc, hoa cúc, hoa quất, hoa thọ, hoa mai … được bày bán khắp chợ. Anh Lại Đình Thoáng và anh Huỳnh Văn Thoảng là một trong những chủ nhân buôn bán hàng hoa chợ Tết. Giá của mỗi chậu quất là tám trăm nghìn đồng, mỗi chậu hoa cúc là một trăm năm mươi nghìn đồng. Có nhà mua đến bốn chậu cúc và hai chậu quất, vì họ nghĩ rằng trước tiên là trang trí trong những ngày xuân, thứ hai càng nhiều màu vàng, màu đỏ thì năm mới lại có thêm nhiều tài, nhiều lộc. Thì ra chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ thật: nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào cũng thấy tươi, thấy cái gì cũng muốn mua.
Hình và bài Lê Bát