(Về công trình xây dựng Bàu Đình làng An Bằng)

Kính gởi: Ban xây dựng công trình Bàu Đình.

Thưa quý vị. Theo mô hình xây dựng ở Bàu Đình được phác họa hiện nay, xét thấy chưa chuyên chở được những nét chính văn hoá, và nhu cầu biết về nguồn cội của các thế hệ trẻ, nên tôi xin mạo muội có ý kiến đề nghị như sau.

Mặc dù biết khó lay chuyển được tư duy của các Ngài, nhưng cũng phải nói lên trước khi công trình và cơ hội tốt diễn ra, để bày tỏ được nhu cầu của các thế hệ trẻ theo cái thấy của mình.

Xin cám ơn quý vị.

Dự Thảo: Công trình Công Viên Di Tích Bàu Đình, và Nhà Lưu Niệm Văn Hoá An Đôi. (trong khuôn viên Bàu Đình)

Thưa quý vị. Quê Hương là nơi đã đón nhận ta chào đời, để rồi trở thành một thành viên và lớn lên dưới sự đùm bọc, chở che bởi tình làng nghĩa xóm.  Là nơi mà chúng ta đã từng gởi lại một phần nguồn sống của mình, đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Và những hình ảnh mang đậm mồ hôi/nước mắt của tiền nhân tổ tiên.  Nhưng nay di sản của tiền nhân tổ tiên, cũng như cảnh quan quê hương ngày một tàn phai, thậm chí một phần đã mất hẳn dấu tích. Thiết nghĩ, là lúc chúng ta có thể ngồi lại để chiêm ngưỡng công nghiệp của tiền nhân, và tạo điều kiện nhắc nhở cho các thế hệ về sau.

Hiện nay, quê hương có được cơ hội phát triển ở nhiều mặt, nhưng chưa từng tạo được một khoảng không gian có điều kiện tươi mát và hình ảnh chứng tích của tiền nhân, để cho các thế hệ nối tiếp, có cơ hội nhìn lại công nghiệp tiền nhân tổ tiên đã khai dựng làng quê, trong khi chiều hướng bê tông hóa đang ngày càng mở rộng.  Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi xin mạo muội có ý kiến đề nghị như sau:

“Cải tạo khuôn viên Bàu Đình thành Công Viên Cây Xanh và Nhà Lưu Niệm Văn Hoá An Đôi”, để ghi lại dấu tích và hành trình lập nên làng quê của tiền nhân tổ tiên, cho các thế hệ con cháu chúng ta sau nầy biết về quê hương nguồn cội, và sử tích của tiền nhân.

Công viên di tích và Nhà Lưu Niệm Văn Hoá An Đôi do bà con nhân dân Làng An Bằng trong và ngoài nước thực hiện.

(An Đôi, tên gọi đầu tiên của làng An Bằng ngày nay, khi tiền nhân đến đây khai hoang lập Ấp. Do vậy chọn tên “An Đôi” cho Nhà Lưu Niệm, để tưởng nhớ công nghiệp và dấu chân của tiền nhân).

Phần I: Thống nhất nội dung công trình.

  • Hoàn tất mô hình dự án và hồ sơ pháp lý.

(Không xây Cổng, để không gian được thoáng rộng, thiết đặt 2 khối đá hai bên của lối vào)

  • Khắc trên đá khối trước lối vào:
  1. Công Viên Di Tích Bàu Đình
  2. Bau Dinh Relics Park
  • Một đoạn tường 6 mét, cao 2 mét đối diện với đường, gắn hình ảnh biểu tượng đời sống sinh hoạt làng quê “thuyền buồm, kéo lưới và sinh hoạt trên bờ biển”.  Hình ảnh nổi bằng kỹ nghệ gò đồng.
  • Mặt nước Bàu Đình, được cải tạo trở lại với hình ảnh tự nhiên của nó (có bậc cấp đi xuống). Ở giữa thiết đặt hệ thống đài phun nước có lập trình .

Phần 2: Hình Thành Nhà Lưu Niệm:

Nhà Lưu Niệm Văn Hoá AN ĐÔI

AN DOI Village Memory Cultural House.

(Mặt tiền 20x chiều sâu 25m. = 500m2. Cao 4>8 mét, hướng mặt ra biển)

  • Hình ảnh phù điêu đắp nổi:
  • Hình ảnh đoàn thuyền Chúa Nguyễn đến vùng đất An Bằng.  
  •  Hình ảnh sinh hoạt ngày mùa trên bờ biển.
  • Cảnh trí của ngôi làng xưa và Bàu Hạc.

(Mặt trước)

  • Hình ảnh lễ hội Cầu An xưa của làng.
  • Hình ảnh lễ hội truyền thống Đua Thuyền tại làng.

(Ở mặt trước, hình ảnh được khảm bằng đá màu)

  • “Mái Hiên bê tông” ở trước bằng hình ảnh chim biển, rộng 4 mét.
  • Sườn bằng sắt ống, xà hộp kẽm, mái lợp tôn cách nhiệt.
  • Trần nhà bằng tấm composite với hình ảnh sóng nước.
  • Nội thất, ánh sáng .

 

Phần 3: Hình thành không gian cây xanh:

Sưu tập, các giống cây từng có mặt trên rừng cây và bờ biển của làng, nay gần như tuyệt chủng.  Các giống cây có tàng lá cho bóng mát từng có tại làng. (Để có được không gian tươi mát, và cũng là vườn lưu giữ thực vật của làng).  Phân loại cây có kích thước lớn/nhỏ, để bố trí thích hợp theo sơ đồ thiết kế cây trồng. Các loại giống cây, do sự góp tay của các Đoàn Thanh Niên nam/nữ của mỗi Vùng tại làng sưu tầm, hoặc nhân giống và trồng hiến tặng.

  • Thiết đặt hệ thống nước tưới.
  • Lát mặt các lối đi bộ trong khuôn viên bằng Bê tông-gạch tấm nung.

 

Phần 4: Vật thể trình bày trong nhà lưu niệm:

  • Một vàng Lưới Rồng (mô hình) dài 8 mét, được thiết trí trên trần nhà.
  • Một vàng mành chốt (mô hình) miệng ngang rộng 3 mét, được thiết trí trên trần nhà.
  • Một cặp lừ, (bóng) rộng 1 mét, được thiết trí trên trần nhà.
  • ·Một chiếc ghe nang (mô hình) có chiều dài 2m1/2, với đầy đủ dụng cụ chi tiết của một ghe mành chốt.
  • Một chiếc Bầu và dụng cụ về câu.
  • Sưu tập những dụng cụ sinh hoạt trong đời sống, như: cối xay lúa, cối giã gạo, dần/sàn, nia/thúng, gióng v.v…
  • Sưu tầm Trang Phục xưa tại làng, như: Váy, Yếm, áo dài 3 vạt nữ.  Quốc phục khăn đóng áo dài đàn ông v. v.
  • Biên tập lời thuyết minh: (Việt – Anh)
  • Sử tích và sự hình thành làng An Bằng.
  • Văn Hoá truyền thống làng An Bằng.
  • Làng An Bằng với ngã rẽ đổi đời.
  • Video: Hình ảnh kỹ năng truyền thống đánh bắt cá trên biển, của dân làng xưa. (Lưới Rồng, Mành Chốt, Đặt Lừ “bóng”)
    • Tổng thể mô hình: Hình ảnh “Chim Biển & Cánh Buồm”.
  • Do nhu cầu một bức tường cao, đủ để phác họa chi tiết của đoàn thuyền Chúa Nguyễn, sinh hoạt hành nghề trên biển và hình ảnh đời sống Làng quê xưa.

Cánh chim biển là hình ảnh quen thuộc, biểu tượng cho sự sống sinh động của biển trời vùng duyên hải, cũng như độ nghiêng của cánh chim, tạo được không gian chiều cao để có được diện tích bức tường cần thiết.  Và cánh buồm là hình ảnh gắn bó với đời sống đi lại, hành nghề trên biển.

Tóm lại: Hình ảnh chim biển và cánh buồm, tạo nên nét sinh động cho tổng thể của công trình.

  • Để duy trì sinh hoạt và bảo trì, có các hoạt động như sau:
    • Cung ứng phương tiện, hướng dẫn tham quan và những sinh hoạt trải nghiệm.
    • Phát hành kỷ vật lưu niệm.
    • Giải khát (Không có Men/Cồn).
    • Trình diễn “Hoạt Cảnh” Phỏng theo sử tích của làng (Định kỳ, tùy theo nhu cầu). Truyện dã sử “Hương Tràm Sao Biển” của Văn Đình Lang Quân.
    • (Trong đó, có cuộc chiến đấu giữ làng với đoàn thuyền của người Chiêm đến cướp phá).

Với nội dung và mô hình như thế, có thể diễn tả được một phần nào công nghiệp của tiền nhân, và văn hoá nếp sống của làng quê. Để cho các thế hệ con cháu chúng ta về sau, biết một chút về tiền nhân tổ tiên và quê hương nguồn cội.

Văn Đình Xuân