ABN: Xin được phép đăng ý nghĩa logo của Ban Tổ Chức Lễ Hội Đua Thuyền Hải Ngoại, nhằm tạo thêm một sinh khí, hướng về phía trước.  Cũng xin nhắc thêm, Lễ Hội Đua Thuyền sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2022 (Ngày An Bằng) tại thành phố Miami, Florida.  Được biết, Ban Tổ Chức đã nộp đơn với tiểu bang Florida về việc xin tổ chức tại Oleta State Park và tiểu bang sẽ trả lời sớm nhất là ba tháng trước khi sự kiện diễn ra.  Đây là sự kiện sẽ mang lại hào hứng cho mọi người An Bằng ở hải ngoại, và là sự kiện đầu tiên sau lần hội ngộ, khởi sắc cho một nền văn hóa An Bằng tại xứ người. Sau đây là nguyên văn Ý Nghĩa Logo.

_________

Ý Nghĩa Logo – Lễ Hội Đua Thuyền Hải Ngoại

Hội Đồng Hương An Bằng Hải Ngoại dự kiến sẽ tổ chức cuộc đua thuyền ở hải ngoại lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2022.  Dù đây là sự kiện đầu tiên, nó sẽ không phải là sự kiện cuối cùng.  Một ban tổ chức lễ hội đua thuyền đã được hình thành, dưới cây dù của Hội Đồng Hương.  Như bất cứ một sự kiện nào, logo là sự biểu hiện về mục đích của một công việc.  Logo này sẽ đi song song với logo của hội đồng hương ở mọi văn bản trong công việc tổ chức để nói lên hai điều: (1) Hội đồng hương có nhiều sự kiện, và (2) có một ban tổ chức chuyên về các nhiệm vụ để thúc đẩy sự kiện đua thuyền diễn ra. Nếu logo này đứng riêng thì chỉ nó chỉ đại diện cho công việc tổ chức đua thuyền mà thôi, chứ không đại diện cho một đoàn thể nào.

Đây là logo của Lễ Hội Đua Thuyền Hải Ngoại, được thiết kế bởi Tony Ho, một con dân An Bằng:

Về ý nghĩa, mỗi một hình dạng hay màu sắc đều mang một nét phô bày đầy ẩn ý, như sau:

  1. Hình Tròn Bán Nguyệt Lớn Màu Đỏ Đến Màu Cam: Hình nửa vòng tròn tượng trưng cho mặt trời bình minh, nói lên một việc gì đó mới mẻ, khởi đầu, vừa ló dạng. Màu đỏ đến màu cam là màu của mặt trời ban mai, lúc cuộc đua thuyền sẽ diễn ra. 
  2. Hàng Chữ “An Bang Boat Race Festival”: đây là tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt là “Lễ Hội Đua Thuyền An Bằng”, có thể hiểu ra cuộc đua thuyền này diễn ra ở hải ngoại, nơi tiếng Anh được thông dụng.  Nó cũng có ý nghĩa thanh niên tay chèo ở cuộc đua này đa số là những người lớn lên ở hải ngoại.  Khi nói “An Bang Boat Race” thì tất cả những người An Bằng ở hải ngoại từ trẻ đến già đều hiểu đó là cuộc đua thuyền của người An Bằng.  Để hài hòa với nhiều thế hệ, ở trên vòng bán cung cũng có hàng chữ Việt.  Đây là cuộc đua thuyền không chỉ cho tuổi trẻ mà cho nhiều thế hệ.  Chữ màu trắng nói lên sự đơn giản đang cố mang cuộc đua thuyền truyền thống của quê hương sang hải ngoại.  
  3. Thuyền Lớn Màu Nâu Đậm: Hình dáng của chiếc thuyền cho ta cảm tưởng như là chiếc thuyền đánh cá truyền thống của quê hương. Chiếc thuyền này đã một thời là tất cả gia tài của người dân đánh cá.  Không có thuyền, người dân sẽ không có dụng cụ đi đánh bắt, không thể nuôi sống gia đình.  Vì vậy, nó lớn tương tự như cả mặt trời.  Màu nâu là màu của thuyền đánh cá.  Màu này còn đại diện cho một cảm giác mạnh mẽ và đáng tin cậy.  Nó cứng rắn, giống như màu đất, và nó là màu có liên quan đến khả năng phục hồi, an toàn.  Nó tạo ra một cảm giác ấm áp, thoải mái, nhưng có thể rất phức tạp. Đến với Lễ Hội Đua Thuyền, người An Bằng sẽ tìm thấy một cảm giác thân quen và an toàn, vì chúng ta cùng chung một màu đất hay có từ một nguồn gốc nơi một mảnh đất nào đó ở quê hương.
  4. Ba Người Cầm Chèo Màu Trắng Trên Thuyền: Con số ba tượng trưng cho ba vòng đua, mà người An Bằng thường gọi là “Ba Táo” hay (tráo).  Ba táo gồm có Táo Tiền, Táo Cúng, và Táo Phá.  Có thể nói, tuy ba người mà sáu người, vì mỗi bên 3 ba người, hai bên là 6 người.  Con số sáu tượng trưng cho 6 chiếc ghe ở các cuộc đua truyền thống ở làng An Bằng.  Dù ở hải ngoại, số thuyền sẽ được uyển chuyển cho phù hợp với nhu cầu hoặc số lượng người tham gia, nhưng cuộc đua thuyền này phát xuất từ một truyền thống của quê hương.  Người chèo là các anh (hoặc chị – vì không rõ mặt) tham gia vào cuộc đua này.  Cả ba người đều cầm mái chèo lên cùng một lúc nói lên sự đồng lòng và nhịp nhàng nơi tay chèo.  Đồng lòng là bản chất của người An Bằng vậy.  Màu trắng, như có đề cập ở trên, là màu của tinh khiết.  Nó còn mang một đức tính của sự hiền hòa, chân chất như chính con người An Bằng.  Trên thuyền … tất cả người An Bằng cùng trên một chiếc thuyền, nói lên sự kết chặt nơi tình nghĩa như keo sơn.  Sự thật thì người An Bằng rất gắn bó với nhau ở mọi hoàn cảnh, vì chúng ta luôn đi trên một chiếc thuyền.  Chúng ta cùng vui, cùng buồn, cùng sống chung với nhau một cách hòa đồng.
  5. Sóng Lớn Màu Xanh Trước Mạn Thuyền: Làn sóng lớn đại diện cho sự khó khăn trước mặt.  Mà sự khó khăn giữa đời sống ấy đang được người An Bằng đồng lòng vượt qua.  Sóng là một cản trở.  Gìn giữ phong tục An Bằng ở hải ngoại là một cản trở lớn, vì vậy khi vượt qua cản trở này, chúng ta sẽ có được giải thưởng đáng trân quý.  Sự thật thì, không có chông gai thì cuộc đời sẽ không bao giờ có ý nghĩa.  Nhất là ở lứa tuổi trai tráng (tay chèo), họ đang tranh đấu để vượt qua mọi thử thách để gìn giữ một quê hương An Bằng ở một xứ sở mới.  Sóng lớn thường có ở biển, nên chi đua sẽ ở biển.  Màu xanh nước biển đã nói lên điều này.  Nhưng màu xanh ấy còn đại diện cho chiều sâu, khoảng trống, tự do, tưởng tượng, tự tin, chân thành, tin tưởng.  Tất cả những gì khó khăn thì người thanh niên An Bằng sẽ tự tin vượt qua bằng cách tin tưởng lẫn nhau, hòa đồng với nhau, đồng lòng với nhau để hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ văn hóa của mình.

Logo này không có ngày tháng và địa điểm của sự kiện đua thuyền vào năm 2022 với ẩn ý là nó có thể sử dụng cho những lần sau.  Điều này xem như là một hứa hẹn từ Hội Đồng Hương An Bằng Hải Ngoại rằng sự kiện đua thuyền sẽ diễn ra không chỉ một lần và còn là một định kỳ ở nhiều năm sau.  Khi sử dụng logo này cho những thiết kế khác như in áo thun, băng rôn, phông nền, hay vé số, xin yêu cầu ban tổ chức thêm vào ngày tháng và địa điểm cho lần đua thuyền ấy.

Ban Tổ Chức Lễ Hội Đua Thuyền An Bằng Hải Ngoại 2022